GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW: Học cách dạy con từ cha

Anh hùng lao động, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng trong mỗi bước đường thành công trên con đường sự nghiệp của mình đều có bóng dáng của cha mẹ, anh, chị, em và đặc biệt là người vợ hiền hậu. Họ chính là những người đã giúp anh được toàn tâm, toàn trí cho khoa học, cho công việc…

 

Kỷ niệm sâu sắc với cha và anh
Trong danh sách được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 30/5 cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2001 đến năm 2011 có duy nhất một cá nhân, đó là GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
GS.TS Nguyễn Anh Trí sinh năm 1957, tại vùng đất cách mạng huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Những năm cắp sách đến trường, cậu bé Nguyễn Anh Trí nhiều lần phải học trong hầm. Dấu ấn đậm nét nhất trong ký ức anh là tiếng bom Mỹ, tiếng nứa nổ đôm đốp của nhà cháy hay tiếng than khóc của những gia đình có người chết vì bom.
Ba của GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng là một cán bộ y tế, làm việc tại Trạm điều dưỡng Cán bộ miền Nam tập kết (tại Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình) nên thường xuyên vắng nhà. Trong vài lần hiếm hoi về thăm nhà, thấy cảnh vợ vất vả làm lụng nuôi đàn con nheo nhóc nên ông quyết định xin nghỉ hưu sớm, khi mới ngoài 45 tuổi, tương lai còn đang ở phía trước.
Đọng lại sâu sắc nhất trong lòng của GS.TS Nguyễn Anh Trí về người cha của mình là ông rất trọng việc học và quyết tâm cho các con được ăn học nên người. Có lần cậu bé Trí được cha gọi vào và dặn rằng: “Ba đặt cho con tên là Trí để sau này con sống bằng trí tuệ của mình”. Cho đến tận bây giờ, GS.TS Nguyễn Anh Trí vẫn còn nhớ như in chuyện ba anh đã vét sạch những đồng tiền cuối cùng, đi bộ suốt đêm từ Lệ Thuỷ lênĐồng Hới (khoảng 45 km) để mua cho các con một quyển sách văn học.
Khi cha nghỉ hưu, bóng dáng gầy guộc ngồi nặn từng viên đất sét phơi khô làm phấn, đôi bàn tay ve vuốt từng tờ báo cũ cho phẳng phiu, ngâm vào nước vôi cho sạch hết chữ làm vở cho các con của cha đã làm cậu bé Nguyễn Anh Trí nhiều đêm mất ngủ. Ngay từ những ngày ấy, dù mới chỉ học cấp tiểu học nhưng cậu bé Trí đã tự dặn lòng phải cố học cho thật giỏi để không phụ lòng cha.
Trong tất cả 7 anh chị em của mình (trong đó có 2 người chị cùng mẹ khác cha), người ảnh hưởng đến GS.TS Nguyễn Anh Trí nhiều nhất là người anh trai Nguyễn Văn Tài (hiện là GS.TS, Thiếu tướng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự, Bộ Quốc phòng). Thời đi học, anh Tài học rất giỏi, đã từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) cả Văn lẫn Toán của tỉnh Quảng Bình (năm 1972). Anh Tài là người anh gương mẫu, rất thương các em và có trách nhiệm với gia đình. Khi đi thi đại học, anh Tài đỗ vào khoa Lý, Trường Đại học Tổng hợp, nhưng khi giấy báo nhập học cùng về với giấy báo nhập ngũ, anh Tài đã cầm giấy nhập ngũ lên đường.
Đêm đầu tiên vắng anh, chàng thanh niên Trí thấy lạnh và sốc kinh khủng. Lạnh là vì thiếu hơi ấm của anh bởi từ nhỏ đến lớn, hai anh em toàn ngủ chung cho ấm vì không đủ chăn. Sốc là vì lâu nay chỉ biết dựa dẫm vào anh, giờ nhận ra rằng, mình phải gánh trách nhiệm đứng mũi chịu sào. Nhưng cũng ngay trong cái đêm đầu tiên không ngủ vì vắng anh đó, Nguyễn Anh Trí đã quyết phải cố gắng phấn đấu như mong ước của người anh trai: Trở thành một cán bộ khoa học.
Nói về tình tiết này, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết ngày anh Tài còn học ở nhà, anh thường làm toán trong tạp chí “Toán học và Tuổi trẻ”. Một hôm trên tạp chí đó có bài của Phó tiến sỹ tên là Nguyễn Anh Trí, thế là anh nói với ba mình “đổi tên đệm cho em Trí thành Nguyễn Anh Trí để sau này nó thành Phó tiến sỹ”. Được ba đồng ý, thế là hôm sau anh Tài vào trường để xin đổi tên trong học bạ cho em. “Vậy là tôi được đổi tên từ Nguyễn Văn Trí thành Nguyễn Anh Trí ”- GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết.
Cách biểu đạt yêu con hàng ngày của mẹ GS.TS Nguyễn Anh Trí khi bà còn sống. Ảnh gia đình cung cấp.
Sáng tác thơ, nhạc khóc mẹ
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, mẹ của anh rất đẹp. Chẳng thế mà khi người chồng đầu tiên mất, dù lúc này một nách hai con gái nhỏ, bà vẫn có trai tân hỏi cưới. Trong mắt GS.TS Nguyễn Anh Trí, mẹ anh rất dữ dội, “đanh đá” song cũng vô cùng nhân từ. Nhớ ngày còn nhỏ, mỗi khi thấy có ai đó khóc mếu chạy đến nhà là chỉ một lát sau, cậu bé Trí lại thấy giọng của mẹ mình oang oang ngoài đường làng đi đòi công lý hộ. Nhà Trí nghèo lắm, thường thiếu ăn, thiếu mặc nhưng mẹ vẫn thường xuyên làm từ thiện, mà điển hình nhất là nuôi người tâm thần (ở quê hay gọi là người điên). “Hồi đó mẹ tôi hễ ra đường thấy người ăn mày bẩn thỉu là lôi về nhà tắm rửa, cho ăn uống. Có lần, một người tâm thần “bĩnh” cả ra quần hôi thối khiến lũ trẻ con chúng tôi bịt mũi chạy ra xa nhưng bà vẫn lôi người ấy về nhà, giặt quần áo cho họ.”- GS.TS Nguyễn Anh Trí nhớ lại.
Khi mẹ mất, tuy không phải là con trưởng nhưng GS.TS Nguyễn Anh Trí vẫn lập bàn thờ mẹ ở nhà để mỗi khi đi làm về lại thắp nhang trò chuyện với mẹ. Trong câu chuyện với người đã khuất, câu đầu tiên bao giờ anh cũng gọi “Mẹ ơi!”. Và bài thơ, bài hát “Tiếng gọi mẹ ơi!” (do chính GS.TS Nguyễn Anh Trí soạn nhạc) ra đời trong một buổi tối thắp nhang trên bàn thờ mẹ như thế.
Tâm sự về bài thơ, bài hát đầy xúc động này, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Đó là một buổi tối, khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến 49 ngày mất của mẹ, sau khi đi làm về, tôi cũng thắp hương gọi “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ quá!”. Lúc vào phòng làm việc, tôi như người mộng du, mắt nhìn máy tính nhưng tay thì cầm bút viết một mạch bài thơ vào tờ giấy trên bàn. Khi viết xong, tôi có gọi điện đọc cho một người bạn am hiểu về chữ nghĩa, thơ văn. Khi nghe xong, người ấy đã khóc trên điện thoại”- GS.TS Nguyễn Anh Trí tâm sự.
Chỉ muốn ăn cơm vợ nấu
Vợ GS.TS Nguyễn Anh Trí là một người con gái Huế, sinh ra trong một gia đình cách mạng nổi tiếng (là cháu ruột của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), hiện là Giám đốc Bệnh viện MEDLATEC thuộc Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học (MEDLATEC). Mặc dù công việc rất bận rộn và trong gia đình luôn có người giúp việc nhưng bữa ăn của chồng, kể từ khi cưới nhau đến giờ chị Võ Thị Ngọc Lan (vợ GS Trí) thường tự tay vào bếp chuẩn bị cho chồng.
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết ngày mới cưới nhau, hai vợ chồng khác nhau rất nhiều thứ, ngay cả chuyện nhỏ nhất là ăn uống cũng khác nhau. Chị Lan dễ ăn và thường ưa những món ăn thanh thoát kiểu Huế, còn anh lại thích ăn ớt, tỏi, gừng và nghiện các loại mắm ruốc, mắm cá đằm đặm quê nhà. Biết được khẩu vị của chồng, chị Lan đã tích cực tìm cách chế biến các món thức ăn mà chồng ưa thích. Chỉ vài năm sau khi cưới, chị Lan đã thạo làm các món ăn ở Quảng Bình như người bản địa. Đây cũng là lý do khiến GS Trí mỗi sáng, tối đều ăn cơm ở nhà.
Về phương pháp dạy con, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết anh học theo cách của cha, nghĩa là không dùng roi vọt mà bằng hành động, việc làm gương mẫu của mình cho con làm theo. Có khi cậu con trai duy nhất Nguyễn Trí Anh mải chơi, không học bài, ba Trí cũng không nặng lời với con mà chỉ vào phòng chăm chỉ làm việc để con học theo rồi lặng lẽ theo dõi sự biến chuyển của con trai. Ngay cả khi con trai không muốn theo nghề Y – cái nghề mà cả đời hai vợ chồng anh lăn lộn, GS.TS Nguyễn Anh Trí vẫn tôn trọng quyết định của con. Trí Anh sau khi tốt nghiệp đại học ở Singapore, đã học xong Thạc sỹ marketing ở Australia và hiện đang có kế hoạch để học tập tiếp.
Nhìn lại quãng đường thành công trên con đường sự nghiệp của mình, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, gia đình êm ấm, anh chị em yêu thương nhau, vợ chồng biết sống vì nhau là cơ sở, là nền tảng và chính là yếu tố quan trọng nhất để anh được toàn tâm, toàn trí cống hiến cho khoa học.
Trong danh sách được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 30/5 cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2001 đến năm 2011 có duy nhất một cá nhân, đó là GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu di truyền Việt Nam).
Mẹ ơi, con nhớ mẹ quá!
Tâm sự về bài thơ, bài hát “Tiếng gọi mẹ ơi!”, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Đó là một buổi tối, khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến 49 ngày mất của mẹ, sau khi đi làm về, tôi cũng thắp hương gọi “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ quá!”. Lúc vào phòng làm việc, tôi như người mộng du, mắt nhìn máy tính nhưng tay thì cầm bút viết một mạch bài thơ vào tờ giấy trên bàn. Khi viết xong, tôi có gọi điện đọc cho một người bạn am hiểu về chữ nghĩa, thơ văn. Khi nghe xong, người ấy đã khóc trên điện thoại”.
Không phụ lòng cha
Khi cha nghỉ hưu, bóng dáng gầy guộc ngồi nặn từng viên đất sét phơi khô làm phấn, đôi bàn tay ve vuốt từng tờ báo cũ cho phẳng phiu, ngâm vào nước vôi cho sạch hết chữ làm vở cho các con của cha đã làm cậu bé Nguyễn Anh Trí nhiều đêm mất ngủ. Ngay từ những ngày ấy, dù mới chỉ học cấp tiểu học nhưng cậu bé Trí đã tự dặn lòng phải cố học cho thật giỏi. Không phụ lòng cha, giờ đây anh đã là một Giáo sư, Tiến sỹ y khoa, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng lao động, ngoài ra còn là một Cử nhân luật.